Chủ tịch Google: Đừng sợ trí thông minh nhân tạo

0
446

Cách đây không lâu, thiên tài vật lý học, Giáo sư Stephen Hawking từng cảnh báo nếu trí thông minh nhân tạo phát triển hoàn thiện sẽ là sự diệt vọng của loài người. Trên thực tế, đề tài trí thông minh nhân tạo luôn được tranh luận sôi nổi giữa các nhân vật tiếng tăm trong giới công nghệ, kẻ thì chống người thì ủng hộ.

Mới đây, ông Eric Schmidt, Chủ tịch Google lại lên tiếng ủng hộ trí thông minh nhân tạo và xem đó là một phần không thể thiếu của tương lai.

terminator-5-and-6

Được biết, ông Schmidt đã tham gia sâu vào sự phát triển của một số hệ thống thông minh nhân tạo tinh vi nhất thế giới, như dự án xe tự lái và khả năng tiên đoán của công cụ tìm kiếm Google. Thậm chí, công ty gần đây còn đưa vào hoạt động một phòng nghiên cứu nội bộ về robot. Từ những kinh nghiệm đã trải qua, ông Schmidt muốn gửi đến mọi người thông điệp rằng robot là bạn của loài người và tất cả các nỗi sợ về máy móc sẽ thay thế con người và chiếm các vị trí quan trọng trên toàn thế giới là vô căn cứ.

Phát biểu tại hội nghị Financial Times Innovate America ở NewYork (Mỹ) vào hôm thứ Ba vừa qua, ông Schmidt cho rằng những quan ngại về trí thông minh nhân tạo là bình thường vì mọi người đang có một số hiểu lầm. Lấy câu chuyện về máy dệt, một hệ thống gần như hoàn toàn bằng máy móc, nhưng ông Schmidt cho rằng vẫn không thể cho ra các bộ quần áo đẹp hơn do con người tự làm.

Mặt khác, có một thực tế khó chối cãi rằng nền kinh tế đã khởi sắc hơn khi ứng dụng công nghệ. “Có rất nhiều bằng chứng khi máy tính xuất hiện, tiền lương tăng. Có rất nhiều bằng chứng rằng những người làm việc với máy tính được trả lương cao hơn nhưng người không có khả năng này.”, ông Schmidt nhấn mạnh.

Vấn đề cần phải quan tâm khi ngày càng có nhiều máy móc tham gia vào các lĩnh vực chính là hệ thống giáo dục. Theo đó, các hệ thống giáo dục của nhiều nước trên thế giới không dạy người ta những kỹ năng để làm việc trong môi trường mà các cỗ máy ngày càng thông minh hơn. “Điều cần quan ngại là chúng ta phải cải thiện hệ thống giáo dục trên toàn thế giới để người ta có thể thích nghi với thế giới mới, nơi mà các thiết bị có trí thông minh nhân tạo ngày càng nhiều, để từ đó tối đa hóa thu nhập của họ.”, ông Schmidt nói.

Tuy nhiên, Schmidt cũng thừa nhận rằng máy móc có những tiềm năng mà con người không bao giờ tưởng tượng được. Ông từng trải nghiệm điều này bằng chính dự án của Google thực hiện vài năm trước đây, theo đó các nhà khoa học của công ty đã phát triển một mạng lưới thần kinh, cho nó “ăn” 11,000 giờ video trên YouTube và không đào tạo cái gì để xem hệ thống này có thể học được tới đâu. Kết quả, hệ thống đã khám phá ra khái niệm về mèo.

“Tôi không dám chắc khi nói về khả năng tự học hỏi của máy móc trừ khi chúng ta biết rõ về nó. Điều mà tôi tin chắc rằng con người vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành các hệ thống công nghệ cao.”, ông Schmidt nói.

Trên thực tế, trí thông minh nhân tạo là cốt lõi của hầu hết các công nghệ hiện tại và tương lai của Goolge. Chính vì thế nếu công ty muốn sống lâu đời, nó phải chứng minh với công chúng rằng trí thông minh nhân tạo sẽ không phải là quỷ dữ như lời cảnh báo của nhiều chuyên gia có quan điểm đối lập.

Theo GSM