Di động nội địa Trung Quốc giá mềm tiếp tục đổ bộ Việt Nam

0
897
LeTV One X600 có điểm Antutu ngang ngửa với nhiều smartphone cao cấp hiện nay nhưng giá bán chưa bằng một nửa. Ảnh: Thành Duy.

Các mẫu điện thoại của Xiaomi, Meizu với đặc trưng là cấu hình tốt, giá mềm đang ngày một phổ biến trên thị trường.

Bên cạnh iPhone qua sử dụng, di động nội địa Trung Quốc đang chiếm lĩnh nhóm sản phẩm xách tay tầm thấp tại Việt Nam.

Cách đây 1-2 năm, di động nội địa Trung Quốc còn là khái niệm tương đối xa lạ với người dùng trong nước. Máy được đưa về Việt Nam nhỏ giọt và chỉ nhắm đến một số sản phẩm cao cấp, được báo chí quốc tế nhắc đến. Năm 2015 đánh dấu sự xuất hiện ồ ạt của smartphone nội địa Trung Quốc tại Việt Nam với làn sóng các mẫu di động giá rẻ từ Xiaomi, Meizu, Lenovo, Nomi, hay mới đây nhất là LeTV.

Meizu M2 – chiếc smartphone nội địa Trung Quốc mới về nước với giá 2,5 triệu đồng. Ảnh: Thành Duy.
Meizu M2 – chiếc smartphone nội địa Trung Quốc mới về nước với giá 2,5 triệu đồng. Ảnh: Thành Duy.

Trước mùa mua sắm cuối năm là lúc hàng loạt những chiếc di động giá mềm của Trung Quốc tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Có thể kể đến những smartphone phần nào gây sự chú ý của người dùng như Xiaomi Redmi Note 2, Mi 4i hay Mi 4C, Meizu MX5, M2, M2 Note hay những tên tuổi mới về nước cách đây ít ngày như LeTV One X600 hay LeTV One Pro X800.

Điểm chung của các sản phẩm này là việc chúng đều là model chỉ bán tại thị trường Trung Quốc, cấu hình cao và giá bán hấp dẫn tại Việt Nam. Chẳng hạn, Meizu MX5 sở hữu những thông số như màn hình 5,5 inch Full HD, chip Helio X10 tốc độ 2,2 GHz, RAM 3 GB và camera 20,7 megapixel nhưng giá bán chỉ hơn 6 triệu đồng cho bản 16 GB.

Một sản phẩm khác là chiếc LeTV One X600 với chip 2 GHz, RAM 3 GB, màn hình 5,5 inch Full HD với điểm Antutu xấp xỉ 50.000 điểm trong khi mức giá bán ra ở mức 3,9 triệu đồng.

LeTV One X600 có điểm Antutu ngang ngửa với nhiều smartphone cao cấp hiện nay nhưng giá bán chưa bằng một nửa. Ảnh: Thành Duy.
LeTV One X600 có điểm Antutu ngang ngửa với nhiều smartphone cao cấp hiện nay nhưng giá bán chưa bằng một nửa. Ảnh: Thành Duy.

Đại diện một cửa hàng chuyên kinh doanh di động nội địa Trung Quốc tại Hà Nội cho biết, sức mua của dòng sản phẩm này đang tốt hơn. “Ít người hoài nghi chúng hơn”, đại diện cửa hàng này cho biết. Điều này có được một phần nhờ việc người dùng mua về, sử dụng và thấy chất lượng, sau đó truyền đạt lại cho những người khác.

Một lý do khác chính là mức độ phủ sóng ngày một rộng của di động Trung Quốc trên thị trường smartphone quốc tế. Bên cạnh đó, thông tin về các sản phẩm này cũng được khách hàng trẻ tiếp cận rộng rãi.

Tuy nhiên, vẫn có một nhược điểm lớn của các mẫu di động nội địa Trung Quốc chưa khắc phục được từ lâu nay, đó là việc máy không cài đặt sẵn các dịch vụ của Google. Đối với người dùng Android tại Việt Nam, việc không thể truy cập kho ứng dụng Google Play, YouTube, Gmail hay Chrome là điều khó chấp nhận.

Tuy nhiên, việc này có thể khắc phục bằng cách cài các bản ROM đã được Việt hoá, nhưng phần lớn các bản phần mềm này đều không tối ưu hoá phần cứng của máy tốt như ROM gốc, gây hiện tượng giật, lag cho một số model. Một số máy khác, do cộng đồng sử dụng nhỏ, không có bản ROM tuỳ biến riêng, buộc người dùng phải “sống chung với lũ”, hoặc chờ đợi các bản ROM bởi máy mới ra mắt thị trường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia bảo mật quốc tế vẫn liên tục khuyến cáo về tình trạng an toàn dữ liệu trên di động Trung Quốc. Tại Việt Nam, cũng từng có scandal smartphone Xiaomi được cài đặt phần mềm ẩn, tự động gửi dữ liệu về máy chủ tại Trung Quốc.