Bị ARM ngừng hợp tác, nhưng Huawei vẫn có thể sản xuất chip?

0
9

Hồi đầu năm nay, Huawei từng nói rằng họ có thể thiết kế bộ xử lý ARM một cách độc lập mà không bị ảnh hưởng bởi bên ngoài, kể cả khi bị ARM ngừng cấp phép.

Mới đây, nhà thiết kế chip ARM đã cắt đứt mối quan hệ hợp tác với Huawei nhằm tuân thủ chỉ thị của chính phủ Mỹ. Sau khi bị Google ngừng cấp phép Android, thì mối quan hệ đổ vỡ với ARM là một đòn chí mạng tiếp theo mà Mỹ dành cho Huawei. 

Tuy không trực tiếp sản xuất, tuy nhiên những tập lệnh và kiến trúc nhân do ARM tạo ra đóng vai trò quan trọng đằng sau tất cả mọi con chip trên các thiết bị di động hiện nay, trong đó bao gồm chip A của Apple, Snapdragon của Qualcomm, Exynos của Samsung và HiSilicon Kirin của Huawei. Một nhà sản xuất như Huawei sẽ cần phải mua kiến trúc nhân của ARM, hoặc ít nhất là bản quyền sử dụng các tập lệnh, thì mới có thể tự mình phát triển dòng chip riêng.

Trong trường hợp của Google, nếu như Huawei vẫn có thể sử dụng phiên bản Android mã nguồn mở (AOSP) hoặc tự mình xây dựng hệ điều hành khác; thì nếu như thiếu đi sự hỗ trợ và cấp phép của ARM, Huawei sẽ không thể tự mình sản xuất chip được nữa. Chính vì vậy, sự việc với ARM được đánh giá là còn nghiêm trọng hơn cả so với Google.

Huawei đã có bản quyền vĩnh viễn từ ARM và sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm?

Tuy nhiên, Huawei có vẻ như vẫn còn một tia hy vọng nhỏ nhoi. Hồi đầu năm 2019, Huawei đã cho ra mắt con chip Kunpeng 920. Theo Huawei, đây là con chip sử dụng kiến trúc ARM cho hiệu năng cao nhất hiện nay và được thiết kế dành riêng cho các máy chủ (server). 

Vào năm 2018, ZTE từng bị Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump trừng phạt tương tự như với Huawei hiện nay. Chính vì vậy, đã có một số hoài nghi (mà nay đã trở thành sự thật) rằng nếu như Huawei không còn bản quyền từ ARM nữa thì mọi chuyện sẽ ra sao? 

Để giải đáp thắc mắc này, trong một buổi thuyết trình tại Trung Quốc, Huawei đã nhấn mạnh rằng: hãng đã có bản quyền vĩnh viễn với kiến trúc ARMv8. ARMv8 cũng là kiến trúc đang được sử dụng trên những con chip có mặt trong những chiếc smartphone hiện nay.

Trang tin Sina của Trung Quốc cho biết Huawei nhấn mạnh rằng họ “hoàn toàn có thể thiết kế bộ xử lý ARM một cách độc lập, làm chủ công nghệ cốt lõi và có khả năng phát triển độc lập bộ xử lý ARM trong một thời gian dài, độc lập với môi trường bên ngoài.” Nói một cách khác, kể cả khi ARM bị ép buộc không cấp phép tập lệnh cho Huawei nữa thì Huawei sẽ vẫn không bị ảnh hưởng.

Cứ cho rằng Huawei có thể sản xuất được chip, nhưng về đường dài thì Huawei vẫn cần đến ARM

Cần nhấn mạnh rằng những thông tin trên được Huawei đưa ra từ hồi đầu năm nay. Kể từ thời điểm đó cho đến bây giờ, mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng trái ngược hoàn toàn. Ngoại trừ Huawei, ARM và chính phủ hai nước, không một ai có thể đưa ra thông tin chính xác hoàn toàn về tầm ảnh hưởng của lệnh cấm mới được ban bố và liệu Huawei có thể tiếp tục sản xuất chip với công nghệ của ARM hay không.

Mặc dù vậy, về tầm nhìn lâu dài, Huawei sẽ vẫn cần đến ARM. Hãy cứ cho rằng Huawei đã có được bản quyền vĩnh viễn của ARMv8 và có thể sản xuất chip dựa trên kiến trúc này trong một khoảng thời gian nữa – nhưng rồi đến một lúc nào đó, ARM cũng sẽ tung ra một thiết kế mới thay thế cho ARMv8. Lúc này, Huawei sẽ cần phải hợp tác với ARM để không chỉ mua bản quyền, mà còn là để tích hợp vào sản phẩm của mình. Và, Huawei sẽ không thể làm được điều đó nếu như lệnh cấm của Chính phủ Mỹ còn hiệu lực. 

Vậy nên, ở thời điểm hiện tại, giải quyết mối quan hệ với các đối tác và đặc biệt là Chính phủ Mỹ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Huawei.