Chip Apple H1 có gì hay và người dùng Androind có sự lựa chọn tương đương nào không?

0
12

Thị trường tai nghe không dây đang ngày một đông đúc, và lựa chọn được một cặp tai nghe thực sự tốt là một việc không phải ai cũng dễ dàng làm được. AirPods của Apple nổi bật hẳn trong số này vì nhiều lý do khác nhau.

Tất nhiên, AirPods không phải là cặp tai nghe không dây toàn diện; một phần trong thành công của nó đến từ khả năng xây dựng thương hiệu vượt trội của Apple, đến mức nếu được hỏi, các fan của hãng sẽ thao thao bất tuyệt về những con chip mạnh mẽ của hãng, bao gồm cả những con chip tí hon được trang bị cho các tai nghe, như Apple W1 và mới hơn là H1.

Chip Apple H1 là chip xử lý bên trong AirPods thế hệ 2, được quảng cáo là mang trong mình một loạt cải tiến so với thế hệ trước. Dù bạn có lẽ chẳng muốn lún sâu vào hệ sinh thái Apple, và cho rằng mức giá họ đặt ra cho sản phẩm của mình là quá cao, nhưng sự tiện lợi của hệ thống ghép nối mà Apple đã phát triển là một điều khó có thể khước từ.
Chip Apple H1 làm được gì?
Apple H1 không phải là một vi xử lý mà chúng ta vẫn hiểu khi nói đến smartphone hay PC. Nó không hề chạy một hệ điều hành phức tạp hay đảm nhận xử lý hình ảnh hiển thị trên màn hình. H1 là một con chip đặc dụng được thiết kế cho một vài tác vụ cụ thể. Apple không tiết lộ cấu tạo con chip này, nhưng chúng ta biết nó bao gồm một modem để xử lý kết nối Bluetooth, một bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số (DSP) để giải mã các luồng âm thanh nén, và một đồng xử lý (có thể là DSP thứ 2) để xử lý thông tin thu được từ cảm biến.


Một vi xử lý được tối ưu hóa như H1 thường tiết kiệm năng lượng hơn đáng kể so với một con chip thiết kế chung chung. Kết quả là, Apple H1 có thời lượng pin tốt hơn so với W1. Thời gian thoại có thể đạt tới 3 giờ thay vì chỉ 2 như trước, và thời gian chơi nhạc thì lên tới 5 giờ. Nó còn hỗ trợ các câu lệnh Siri kích hoạt bằng giọng nói (bên cạnh kích hoạt bằng cách chạm hai lần vào tai nghe), và Bluetooth 5.0 (trước đây là 4.2). Bluetooth 5.0 thực ra không có ý nghĩa nhiều đối với chất lượng của headphone, bởi các profile codec âm thanh vẫn chỉ tận dụng tốc độ truyền tải thấp hơn, dù rằng Bluetooth 5.0 cho phép stream âm thanh đến nhiều thiết bị cùng lúc.Bluetooth 5 chủ yếu hướng đến khả năng tiêu thụ năng lượng thấp hơn trước, và tầm quan trọng của nó sẽ lớn hơn nếu con chip này được trang bị vào các thiết bị không dây khác.
Độ trễ trên H1 thấp hơn 30% so với W1, và đó là tin tốt cho các game thủ di động. Apple còn hứa hẹn rằng thời gian kết nối khi chuyển qua lại giữa các thiết bị nay sẽ tăng gấp đôi. Do đó bạn có thể nhảy giữa Apple Watch hay iPad nhanh hơn trước đây nhiều. Khả năng hỗ trợ cảm biến của chip H1 còn có nghĩa nó có thể phát hiện chiếc AirPods nào đang nằm trên tai bạn, từ đó chỉ sử dụng microphone mà bạn đang thực sự đeo khi thực hiện các cuộc gọi.
Quả là rất thông minh, nhưng Apple H1 không hỗ trợ mọi thứ mà một người sành âm thanh mong muốn. AAC là codec âm thanh duy nhất trên con chip này, không hề có aptX hay LDAC – những codec mang lại chất lượng âm thanh đỉnh cao trên các tai nghe Android. Tức là AirPods cự tuyệt hoàn toàn với âm thanh độ phân giải cao hơn và nén tối thiểu. Nó cũng không hỗ trợ khử tiếng ồn chủ động (ANC), do đó khả năng cách âm từ môi trường bên ngoài cực tệ. Nếu bạn muốn những tính năng này, bạn sẽ muốn tìm những con chip và tai nghe khác.
Những con chip và sản phẩm tương đương


Có khá nhiều lựa chọn thay thế tương đối tốt cho AirPods 2019, và nhiều trong số đó được trang bị những con chip mang đến công nghệ tương đương hoặc thậm chí là ưu việt hơn. Apple H1 chắc chắn không phải là ông lớn duy nhất trong cuộc chơi.
Broadcom BCM43014
Broadcom là một tên tuổi lớn trên thị trường viễn thông không dây, và hãng này sở hữu một loạt chip âm thanh không dây. Chip BCM43014 chính là con chip trong cặp tai nghe Samsung Galaxy Buds mới được công bố cùng Galaxy S10 hồi đầu năm nay.
BCM43014 còn là một con chip Bluetooth 5, cùng với một DSP âm thanh và công nghệ trung tâm cảm biến (chứa các cảm biến cảm ứng, IR, và tiệm cận). Con chip này hỗ trợ quét và kết nối nhanh nhằm cải thiện tốc độ ghép nối. Galaxy Buds không có ANC, nhưng BCM43014 lại tích hợp các thuật toán âm thanh cao cấp có khả năng giảm tiếng ồn môi trường, tức những tai nghe khác được trang bị con chip này có thể sẽ có ANC.
Galaxy Buds hỗ trợ SBC, AAC, và Codec Scalable Audio & Speech do Samsung phát triển. Bản chất của CPU vi điều khiển là có thể lập trình được, do đó các nhà sản xuất có thể nhúng thêm nhiều codec khác vào phần cứng này, nhưng không rõ để làm điều đó cần có thêm yêu cầu gì hay không, và quá trình nhúng thêm codec vào chip cũng phụ thuộc vào từng sản phẩm.
Samsung Galaxy Buds chắc chắn là một đối thủ của AirPods 2019. Có nhiều điểm tương đồng về thiết kế và tính năng giữa hai tai nghe, dù rằng tai nghe của Samsung không có khả năng luôn sẵn sàng nhận các câu lệnh giọng nói. BCM43014 được thiết kế cho mục đích đại trà hơn so với H1 của Apple, nhưng xét về mặt chất lượng và tính năng, nó không hề thua kém.
Dòng chip Qualcomm QCC và CSR


Qualcomm là một tên tuổi lớn khi nói đến chip dành cho smartphone Android, và tất nhiên hãng cũng có một loạt các SoC âm thanh không dây của riêng mình. Chip âm thanh của Qualcomm cũng là những con chip có nhiều tính năng tiên tiến nhất trong ngành công nghiệp, bao gồm hỗ trợ các bộ codec chất lượng cao dưới dạng aptX và LDAC, Hybrid ANC, và có mức tiêu thụ điện năng cực thấp.
Hầu hết những nỗ lực của Qualcomm trên lĩnh vực âm thanh xuất phát từ thương vụ thâu tóm aptX từ CSR hồi năm 2010, trước khi mua lại toàn bộ công ty vào năm 2015. Qualcomm bán một loạt các con chip âm thanh dưới tên CSR – những con chip bạn có thể thấy trong các tai nghe, loa, và dongle Bluetooth. Các tính năng của chúng bao gồm hỗ trợ codec AAC, aptX và LDAC, khử tiếng ồn, và phát hiện giọng nói.
Những mẫu chip âm thanh mới nhất của Qualcomm được gán nhãn hiệu QCC. QCC5100 thuộc dòng flagship, hỗ trợ codec aptX, HD, và Adaptive độ trễ thấp, cùng với Hybrid ANC, True Wireless Stereo Plus, và điều khiển Assistant bằng giọng nói. DSP lõi kép này có thể được dùng cho các ứng dụng âm thanh và cảm biến. Nó còn được hợp nhất vào chương trình Qualcomm eXtension, một chương trình giúp các nhà phát triển triển khai các công nghệ âm thanh bên thứ 3 tùy chọn, từ các thuật toán tinh chỉnh đến codec LDAC của Sony. Về mặt chất lượng âm thanh, độ trễ thấp, và các tính năng khác, QCC5100 vượt trội so với Apple H1.
Dòng QCC300X có giá phải chăng hơn, không có khử tiếng ồn, chỉ hoạt động với aptX cổ điển, và không nằm trong chương trình eXtension. Tính năng điều khiển bằng giọng nói cũng bị loại bỏ, và chỉ có một lõi DSP mà thôi, do đó khả năng xử lý đối với các cảm biến cũng bị giới hạn phần nào.
Ưu việt là vậy, nhưng dòng sản phẩm QCC của Qualcomm lại không xuất hiện trên nhiều tai nghe không dây ngày nay. Công nghệ của Qualcomm đắt hơn nhiều so với các đối thủ, và một số đối tác tiềm năng cũng không biết đến danh mục sản phẩm này của hãng. Quả là tin xấu đối với những người đang kỳ vọng Qualcomm có thể thổi một làn gió mới vào hệ sinh thái Bluetooth trên Android, giúp nó bước ra khỏi tình trạng rối ren hiện nay.
Các con chip khác


Với các nhà sản xuất tai nghe, có nhiều lựa chọn khác trên thị trường dành cho họ. Microchip, Nordic Semiconductor, RealTek, MediaTek, và các hãng khác đều có các SoC cho các sản phẩm âm thanh không dây. Tuy nhiên, nhiều trong số đó không được tối ưu cho tai nghe như H1.
Hầu hết các sản phẩm này, bao gồm MediaTek MT2533 và Microchip IS2064, mặc định hỗ trợ SBC và AAC, nhưng không hỗ trợ các codec tiên tiến hơn. LDAC được hỗ trợ trên một số sản phẩm cụ thể, như IS2064GM-0L3. Một vài SoC còn bao gồm công nghệ khử tiếng vọng và tiếng ồn, hỗ trợ Bluetooth 5 để giảm mức tiêu thụ năng lượng, và hỗ trợ các tai nghe không dây. Tuy nhiên, điều này không nhất quán giữa các SoC, và rất ít SoC mang đến những tính năng toàn diện như Apple và Qualcomm.
Có một hệ sinh thái chip rất phong phú
SoC âm thanh Bluetooth hiếm khi được nhắc đến, một phần bởi các nhà sản xuất headphone đều sẽ tự quyết định sẽ trang bị cho sản phẩm của mình những tính năng gì. Apple H1 được thiết kế theo tầm nhìn của Apple về tai nghe Bluetooth. Hướng đi này có cả điểm mạnh và điểm yếu. Điểm mạnh là hãng đã tạo ra được một thiết kế tiết kiệm năng lượng với một loạt những tính năng tương đối toàn diện. Điểm yếu là những tính năng tốt nhất chỉ có thể được tận dụng bởi những người nằm trong hệ sinh thái sản phẩm của Apple, và nó cũng không hỗ trợ mọi thứ mà người tiêu dùng âm thanh chất lượng cao mong muốn.
Bên ngoài hệ sinh thái Apple, có rất nhiều sản phẩm tương tự, mỗi sản phẩm lại có những khả năng và mức giá khác nhau. Nếu bạn muốn một sản phẩm có mọi thứ mà người tiêu dùng mong muốn, như khử tiếng ồn, câu lệnh giọng nói, và các codec chất lượng cao, thì Qualcomm có một loạt các sản phẩm rất cạnh tranh. Nhưng công ty này không thể chạy đua về mặt giá cả như Apple với một nhóm thiết kế của riêng mình, khiến các sản phẩm của Qualcomm ít xuất hiện trên thị trường.
Như vậy, có nhiều SoC dành cho người dùng Android có thể cạnh tranh với Apple H1, nhưng rất ít công ty muốn trang bị những con chip đó vào các sản phẩm tai nghe của họ, thay vào đó họ muốn tập trung hơn vào các tính năng mà người tiêu dùng quan tâm mà thôi.