Mi CC9 đạt điểm DxOMark kỷ lục, Sam Sung cũng được hưởng niềm vui chung

0
10

Samsung lợi đơn lợi kép từ con số DxOMark “khủng” mà Xiaomi mới khoe.

Dù chỉ là một mẫu smartphone tầm trung (giá 2799 Tệ – khoảng 9,3 triệu đồng) nhưng Mi CC9 Pro hoàn toàn có thể hứa hẹn thay đổi cục diện “nội chiến smartphone Trung Quốc” trong thời gian tới: lần đầu tiên trong lịch sử, vị thế dẫn đầu của Huawei đã bị phá vỡ khi Mate 30 Pro chỉ đứng ngang hàng với chiếc Mi giá bằng một nửa. Mi CC9 Pro hoàn toàn có thể là cú huých Xiaomi cần có nhằm đòi lại những gì đã mất vào tay Huawei trong quý vừa qua, khi Huawei tăng trưởng thần tốc còn Xiaomi suy giảm nặng nề.

Nhưng chưa cần biết Huawei và Xiaomi đánh nhau ai thắng, kẻ vui nhất phải là Samsung cái đã.

Tại sao ư? Bạn có lẽ sẽ đôi chút bất ngờ khi biết rằng cảm biến dùng trên mẫu Xiaomi không phải là Sony như mọi khi mà lại là Samsung: Mi CC9 Pro có cảm biến “ISOCELL Bright HMX” kích cỡ 1/1.33″, kích cỡ điểm ảnh 0.8um. Là “cảm biến di động đầu tiên của ngành công nghiệp có 108MP”, ISOCELL Bright HMX được hy vọng sẽ cải thiện vị thế của Samsung trong cuộc chiến sensor, nơi Sony vẫn đang thống trị với thị phần gần một nửa thị trường. Cả 3 mẫu iPhone 11 năm nay đều dùng cảm biến Sony, tương tự Pixel 4, Mi 9 hay Mate 30 Pro cũng đều dùng cảm biến do Sony sản xuất.

Bạn có lẽ đang nghĩ cảm biến không phải là yếu tố duy nhất đóng góp cho ảnh chụp? Đúng là như vậy, nhưng nhận định này sẽ đúng nhiều hơn với Google hay Apple và không hoàn toàn đúng với Xiaomi. Công ty smartphone Trung Quốc vốn có thuật toán xử lý hình ảnh rất kém, kém tới mức mà ảnh chụp 48MP (nội suy) còn kém chất lượng hơn cả ảnh 12MP “thường”. Bởi thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng yếu tố quyết định tới chất lượng ảnh trên Mi CC9 Pro chỉ có thể là cảm biến ISOCELL do Samsung sản xuất mà thôi.

Mà, cũng như Xiaomi cần một cú huých trên thị trường smartphone nội địa, Samsung cũng cần một cú huých trên thị trường linh kiện. Cần phải nhớ rằng linh kiện mới là lĩnh vực đem lại lợi nhuận “khủng” cho Samsung, và từ đầu năm đến nay, sự suy giảm trên các mảng silicon đã khiến gã khổng lồ Hàn Quốc liên tục chứng kiến lãi ròng “bốc hơi” quá nửa (so với cùng kỳ 2018). Vị thế do Mi CC9 Pro thiết lập chẳng khác gì một lời mời gọi các hãng smartphone khác cũng chuyển sang dùng CMOS của Samsung thay thế cho Sony.

Dĩ nhiên, chúng ta cũng không thể quên được những chiếc smartphone Samsung. Theo các tin rò rỉ, Galaxy S11 của năm sau sẽ sử dụng ISOCELL Bright HMX thế hệ thứ hai, có cải tiến so với thế hệ đầu (bán cho Xiaomi). Tức là, chúng ta có cơ sở để tin rằng Galaxy S11 thậm chí sẽ còn đạp đổ vị trí của Mi CC9 Pro và Mate 30 Pro. Đó sẽ là một tin mừng cho Samsung, sau khi Galaxy S10 có “tốc độ bán không nhanh” trong năm qua.

Kể cả trong trường hợp Samsung sử dụng cùng một cảm biến, Samfan vẫn có lý do để háo hức chờ S11. Bởi không như Xiaomi, Samsung là một thế lực phần mềm thực thụ. Samsung có kinh nghiệm dùng AI để cải thiện chất lượng ảnh chụp, hai chiếc Galaxy S10 và Note10 còn có tính năng không đối thủ nào copy được, đó là hướng dẫn người dùng phối khung hình cho hợp lý (dựa theo dữ liệu tổng hợp từ hàng trăm triệu bức ảnh có sẵn). 

Kết hợp giữa cảm biến “đầu ngành” với một thế lực phần mềm có lẽ là chỉ thua kém Apple và Google, chẳng có lý do gì Samsung lại không đạp đổ được Huawei và Xiaomi. Nếu lịch ra mắt được giữ nguyên như năm ngoái, Galaxy S11 chỉ còn 3 tháng nữa là lên kệ.