Trung Quốc có thể không cần Google nhưng Huawei thì chắc chắn cần

0
10

Hệ điều hành Android và IOS đang thống trị thị trường, đó là điều không cần phải bàn cãi. Việc Google tuyên bố ‘nghỉ chơi’ với Huawei sẽ khiến nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc buộc phải tìm ra một hệ điều hành khác không chỉ “dùng được”, mà phải “đủ tốt” để cạnh tranh, điều mà nhiều ông lớn công nghệ khác từng mang tham vọng và thất bại ê chề.

Android và IOS chiếm lĩnh thị trường

Chính phủ Mỹ đã cấm Huawei sử dụng bất kỳ phần mềm hoặc phần cứng nào do các công ty của nước này làm ra. Nhưng nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc đã thách thức rằng việc thiếu hỗ trợ từ các đối tác đến từ Mỹ sẽ không thể làm ảnh hưởng đến thương hiệu này. Ngay cả khi Google cắt đứt quan hệ kinh doanh với Huawei thì doanh nghiệp này vẫn tỏ ra rất cứng rắn.

Chúng ta không hề xa lạ gì với những căng thẳng mà chính phủ Mỹ dành cho Huawei suốt thời gian qua. Có vẻ như nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc đã quen được với việc này khi vẫn là nhà cung cấp thiết bị mạng lớn nhất thế giới và thương hiệu điện thoại có số lượng bán ra đứng thứ 2 thế giới. Gã khổng lồ công nghệ đang làm việc tích cực nhằm tạo ra một hệ điều hành cho riêng mình để thay thế Android trong trường hợp quan hệ với các công ty của Mỹ ngày càng xấu đi.

Sự cứng rắn của Huawei là có thể hiểu được khi thực tế các lệnh cấm với thương hiệu này ở Hoa Kỳ đã bắt đầu vào năm 2012. Nhưng nếu nhìn vào thị trường điện thoại thông minh hiện nay thì mới thấy vấn đề lớn với hãng sản xuất điện thoại lớn nhất Trung Quốc. Hệ điều hành Android và IOS đang gần như là độc quyền trên thị trường. Theo thống kê, 86% điện thoại trên thế giới chạy trên nền tảng Android của Google, phần còn lại là dùng iOS của Apple. Các nền tảng khác chiếm một tỷ lệ thực sự quá nhỏ.

Trước đây, đã có nhiều thương hiệu cố gắng làm hệ điều hành di động để chiến đấu chống lại Android và iOS. Từ Windows Phone, BlackBerry OS hay webOS đều đã thất bại và các hãng sản xuất nó lần lượt chuyển sang Android. Ngay cả Samsung cũng từng đổ tiền vào để làm hệ điều hành mã nguồn mở Tizen cho riêng mình (hệ điều hành này vẫn xuất hiện trên đồng hồ thông minh Samsung) cũng thất bại và chẳng tạo nên một cuộc lật đổ nào.

Cơ hội tạo ra một hệ điều hành mới của Huawei để thành công sẽ là tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, tại các thị trường khác như châu Âu, Úc, Trung Đông và cả Mỹ Latin thì một hệ điều hành không có Android nghĩa là khách hàng sẽ phải tạm biệt Gmail, Google Maps… Đây là điều quá khó để chấp nhận với người dùng.

Huawei có thể không cần Android nhưng các lựa chọn khác có dễ dàng?

Điện thoại Huawei tại Trung Quốc lâu nay hoạt động mà không có các dịch vụ của Google, mặc dù vẫn đặt hệ điều hành Android làm nền tảng. Công cụ tìm kiếm của Google bị chặn ở Trung Quốc. Ngay cả khi chiếc điện thoại dựa trên nền tảng Android thì các dịch vụ Google Play cũng không hoạt động tại quốc gia này.

Điều này có nghĩa điện thoại Huawei tại thị trường quê nhà đã và đang dùng các ứng dụng nội địa để thay thế cho Gmail, Youtube, Google Maps, Google Search… Kể cả các phần mềm đồng bộ hóa danh bạ hay dịch vụ ngoại tuyến cũng được thay đổi để phù hợp với Trung quốc.

Huawei hiện nay có khoảng 80.000 – 90.000 kỹ sư R&D và họ có vẻ như đang chuẩn bị cho sự thiếu vắng Android bằng cách làm một hệ điều hành mới. Nhưng vấn đề là hệ điều hành mới này làm cách nào để tiếp cận với các dịch vụ của Google thì Huawei chưa có câu trả lời. Bởi lẽ, ở thị trường ngoài Trung Quốc (đặc biệt là châu Âu) dịch vụ của Google đã trở nên quá quen thuộc với người dùng và gần như không thể thay thế. Việc bị Google ‘nghỉ chơi’ và tạo ra hệ điều hành mới có nghĩa là Huawei sẽ phải tìm cách thay đổi thói quen của người dùng. Đây là điều cực kỳ khó thực hiện. Như đã nói, rất nhiều hãng đã thử làm điều này và đến hiện tại đều thất bại.

Nhưng ngay cả việc tạo ra hệ điều hành mới thì theo các nguồn tin gần đây Huawei vẫn chưa sẵn sàng cho ra mắt trong tương lai gần. Có nghĩa là nhà sản xuất điện thoại lớn nhất Trung quốc trước mắt vẫn chưa có được sự thay thế cho Android.

Huawei tất nhiên vẫn có thể tiếp tục sử dụng điện thoại dựa trên nền tảng Android ngay cả khi không có sự hợp tác của Google. Đây là một hệ điều hành mã nguồn mở, miễn phí cho mọi người sử dụng. Nhưng đi theo con đường này nghĩa là Huawei sẽ luôn chậm chân hơn so với đối thủ bởi họ không có quyền truy cập sớm vào các bản dựng hệ điều hành mới, các bản vá bảo mật thường xuyên và hỗ trợ kỹ thuật.

Đồng thời, bản Android miễn phí này là một nền tảng giúp các lập trình viên thể hiện khả năng tùy biến theo ý thích của mình. Nhưng nó không được tích hợp Play Store, cũng không có các dịch vụ khác của Google. Điều này sẽ gây ra bất tiện lớn với người dùng. Xét cho cùng, khách hàng ‘vứt bỏ’ Windows Phone hay BlackBerry OS vì chúng không thể cung cấp các ứng dụng và dịch vụ mà Android và iOS có thể.

Có vẻ như không có các dịch vụ hay cửa hàng ứng dụng mà Google cung cấp, khách hàng của Huawei bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc sẽ rời đi. Đó là lý do cho thấy Trung quốc có thể không cần Google nhưng Huawei thì có.