Viện nghiên cứu điện tử (IEEE) cấm các nhà khoa học Huawei tiếp cận các báo cáo khoa học của họ

0
9

Tổ chức khoa học lớn nhất thế giới – Viện kỹ thuật điện-điện tử Mỹ (IEEE) vừa đưa ra đề nghị cấm các nhà khoa học, nhà nghiên cứu của Huawei không được xử lý các bài báo khoa học của họ.

Ngày 29/5, IEEE thông báo tới khoảng 200 tạp chí khoa học rằng các nhân viên của Huawei có thể tiếp tục phục vụ trong ban biên tập nhưng không thể xử lý bất kỳ giấy tờ nào. Tổ chức này sẽ xem xét lại lệnh cấm trên cho đến khi Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty viễn thông Trung Quốc.

Theo Science Mag, IEEE nói với các biên tập viên của mình rằng họ lo ngại “những tác động pháp lý nghiêm trọng” nếu họ tiếp tục sử dụng các nhà khoa học của Huawei trong quá trình biên tập tạp chí.

Các nhà khoa học của Huawei có thể tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, dự hội nghị và thuyết trình, gửi bài viết cho các tạp chí của IEEE hay tham gia các cơ quan lãnh đạo và quản trị. Tuy nhiên, người của Huawei không được truy cập vào các tài liệu được gửi đến IEEE cho đến khi nó được xuất bản.

IEEE có 422.000 thành viên trên 160 quốc gia và xuất bản khoảng 200 tạp chí phổ thông và tạp chí chuyên ngành. Họ tuyên bố là “tổ chức chuyên nghiệp kỹ thuật lớn nhất thế giới dành riêng cho việc phát triển công nghệ vì lợi ích của nhân loại”. Với người dùng phổ thông, IEEE được biết đến là tổ chức công bố các chuẩn Wi-Fi, chẳng hạn IEEE 802.11b (tên mới là Wi-Fi 1).

Cả Huawei và IEEE đều không trả lời các yêu cầu bình luận về lệnh cấm này.

Giới khoa học Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội sau quyết định của IEEE. “Tôi gia nhập tổ chức này với tư cách nghiên cứu sinh bởi IEEE được đánh giá là môi trường nghiên cứu quốc tế về kỹ thuật điện tử”, Haixia Zhang thuộc Đại học Bắc Kinh viết trong thư gửi tới lãnh đạo IEEE. “Tuy nhiên, lệnh cấm đang thách thức tính chuyên nghiệp. Tôi đã quyết định rời ban biên tập của hai tạp chí IEEE cho đến khi tính toàn vẹn về chuyên môn của chúng tôi được khôi phục”.

Lệnh cấm các nhà khoa học Huawei của IEEE là động thái tiếp theo hàng loạt các lệnh cấm hoặc ngừng hợp tác đối với Huawei từ các công ty, tổ chức trên thế giới như Google, Microsoft, Qualcomm, Intel, ARM… Tuy nhiên, vào thứ Sáu tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với báo chí rằng ông có thể đề nghị đảo ngược danh sách đen của Huawei như một đòn bẩy trong căng thẳng thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ. Phía Huawei đã đệ trình một đơn kiện lên tòa án Mỹ cho rằng việc Mỹ cấm các cơ quan liên bang mua sản phẩm của họ là vi hiến.