Xiaomi đang cố gắng để không biến mình thành “Huawei thứ 2”

0
9

Xiaomi đã chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra giống Huawei.

Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen, cấm hợp tác và mua linh kiện từ các công ty của Mỹ. Đây là đòn trừng phạt mạnh tay, mà đã gây ra ảnh hưởng lớn cho gã khổng lồ Trung Quốc. Đặc biệt là việc không được phép sử dụng các phần mềm và dịch vụ của Google nữa, sẽ khiến mảng smartphone rất quan trọng của Huawei bị thiệt hại nghiêm trọng.

Mặc dù Huawei đã có chuẩn bị trước cho kịch bản tồi tệ nhất nếu có thể xảy ra, nhưng những gì mà gã khổng lồ Trung Quốc làm được cùng với hệ điều hành tự phát triển vẫn chưa thể cứu vãn tình hình. Thực tế là cho dù Huawei có thể sống mà không cần tới các công ty Mỹ, thì Huawei vẫn phải phụ thuộc vào Google.

Đây cũng là bài học dành cho các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc khác. Để không phải đi theo vết xe đổ và trở thành “Huawei thứ 2”, những nhà sản xuất như Xiaomi cũng phải chuẩn bị cho mình những kế hoạch dự phòng. Để lỡ có một ngày nước Mỹ chuyển sang cấm các hãng smartphone Trung Quốc khác, thì họ vẫn có thể tồn tại.

Giám đốc sản phẩm Abi Go của Xiaomi đã tham gia một cuộc phỏng vấn mới đây, trả lời những câu hỏi thú vị, và trong đó bao gồm cả vấn đề liên quan đến Mỹ. Về phần mình, Xiaomi đã chuẩn bị kỹ càng để có thể đối mặt với lệnh cấm từ phía Mỹ, nếu kịch bản tồi tệ nhất xảy ra.

Một phần doanh thu của Xiaomi đã được trích ra để thúc đẩy các công ty sản xuất chất bán dẫn và linh kiện, tạo ra một chuỗi cung ứng để có thể duy trì việc sản xuất smartphone mà không cần phụ thuộc vào các công ty Mỹ.

Xiaomi không hề lo sợ kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra

Giám đốc sản phẩm Abi Go cho biết: “Chúng tôi hiện đang đánh giá các khả năng có thể xảy ra. Nhưng tại thời điểm này vẫn chưa hề có dấu hiệu của sự “lây lan”. Chúng tôi vẫn có thể hợp tác và trao đổi chuyên sâu với các công ty công nghệ Mỹ, như Qualcomm với các chip xử lý hay Google với phần mềm”.

“Nếu trong tương lai, điều gì đó tồi tệ xảy ra, chúng tôi đã có kế hoạch B. Chúng tôi đang đầu tư rất nhiều vào một nhà sản xuất chất bán dẫn tại Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng điều thực sự quan trọng là luôn nỗ lực hết mình, và lựa chọn những thành phần tốt nhất cho các sản phẩm của chúng tôi”.

Tuy nhiên đó là về mặt phần cứng, chip xử lý và các linh kiện. Còn về phần mềm thì sao? Sẽ rất khó cho Xiaomi nếu những chiếc smartphone của họ không thể cài hệ điều hành Android hay các dịch vụ của Google.

Có thể Xiaomi cũng đang tự phát triển một hệ điều hành, một hệ sinh thái của riêng mình. Tuy nhiên để người dùng trên thế giới có thể chấp nhận lại không phải là điều dễ dàng, cũng giống như Harmony OS của Huawei.