Vũ khí bí mật của Samsung “tịt ngòi” giữa lúc cam go nhất

0
11

Dù được ca ngợi hết lời, công nghệ smartphone màn hình gập trên Galaxy Fold đã không đủ sức để giữ cho bộ phận kinh doanh màn hình của Samsung có lợi nhuận cũng như một triển vọng phát triển sáng sủa.

Chỉ vài tháng trước đây, giới công nghệ vẫn cho rằng áp lực trở thành nhà sáng tạo trước Apple hay sự cạnh tranh với Huawei đã buộc Samsung phải vội vã ra mắt Galaxy Fold. Tuy nhiên, kết quả báo cáo kinh doanh mới được công ty Hàn Quốc công bố lại cho thấy những khía cạnh khác của vấn đề.


Khoản lỗ khổng lồ gần 480 triệu USD ở lĩnh vực kinh doanh màn hình, xuất phát từ cả dây chuyền OLED di động lẫn tấm nền LCD cho TV là một trong những dấu hiệu của sự bất ổn. Trước đó một báo cáo nói rằng dây chuyền phục vụ Apple của công ty đang chạy ở mức thấp, khoảng 20%-30%. Báo cáo mới công bố của Apple cũng xác nhận doanh số và doanh thu từ iPhone cũng đều giảm.

Trong bối cảnh doanh số bán smartphone toàn cầu dường như đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm dần, các nhà sản xuất buộc phải phải tìm hướng đi mới, thậm chí đánh bạc với các yếu tố hình thức khác nhau để thúc đẩy nhu cầu mua hàng, cũng như tăng giá bán trung bình của sản phẩm. Và trong trào lưu này, Galaxy Fold chỉ là một trong những biện pháp hay hướng đi mới được Samsung lựa chọn để kích thích và thúc đẩy nhu cầu sử dụng màn hình OLED, cả thông thường lẫn linh hoạt mà thôi.

Cách đây vài năm, thuật ngữ “OLED” là thứ có thế khơi gợi nên sự phấn khích của người tiêu dùng và các nhà đầu tư. Công nghệ đi-ốt phát quang hữu cơ này được áp dụng trong việc phát triển màn hình cao cấp nhất, bởi nó giúp mang lại chất lượng hiển thị hình ảnh tốt hơn đồng thời lại sử dụng ít năng lượng hơn. Ngay lập tức, các nhà sản xuất điện thoại thông minh đã liên tục rao giảng những ưu điểm tốt đẹp này để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Cao trào nổ ra khi Apple cuối cùng đã quyết định tham gia cuộc vui này. Vào năm 2017, hãng đã sử dụng màn hình OLED cho iPhone X, một trong những yếu tố cốt lõi giúp đẩy giá sản phẩm này lên mức 999 USD.

Samsung khi đó đang ở chính giữa của vòng xoáy. Công ty Hàn Quốc khi đó được xem như trung tâm của thị trường. Trong một quãng thời gian, nhà sản xuất này là đơn vị duy nhất có khả năng tạo ra màn hình OLED với chất lượng đáng tin cậy và ở quy mô lớn. Các đơn hàng dồn dập vượt quá công suất làm việc của dây chuyền sản xuất là một trong các lý do gây ra sự thiếu hụt nguồn cung của iPhone năm đó.

Nhưng hiện tại, lợi thế này dường như đã biến mất. Samsung vẫn là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực OLED, bao gồm cả các tấm nền linh hoạt, nhưng điều đó không đủ để bù đắp sự sụt giảm về nhu cầu và cạnh tranh từ công nghệ LCD cũ nhưng rẻ hơn. Kết quả là lần đầu tiên trong ba năm qua, bộ phận kinh doanh màn hình hiển thị của Samsung bị lỗ.

Trong bài trình bày trước các nhà đầu tư hôm 30/4 vừa qua, Samsung cho biết nhu cầu về màn hình OLED linh hoạt sẽ được cải thiện, nhưng giá cả thì có thể không. Để giải quyết khó khăn, công ty sẽ tập trung vào việc khám phá các ứng dụng mới như máy tính xách tay, các thiết bị có thể gập… và đảm bảo cho nhu cầu ổn định.

Hướng đi này là lựa chọn bắt buộc, bởi nên nhớ rằng, Samsung không chỉ là một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới mà hãng còn bán cả công nghệ cho các công ty khác. Theo một số chuyên gia ước tính, trên thực tế Samsung đã kiếm được nhiều lợi nhuận từ việc cung cấp màn hình OLED cho iPhone X của Apple hơn so với doanh thu từ Galaxy S8. Do đó, nếu Samsung hoàn thiện được công nghệ màn hình gập, Apple hoàn toàn có thể áp dụng nó lên một mẫu iPhone mới trong tương lai.

Đáng tiếc rằng sự vội vàng của Samsung đã không đem về trái ngọt. Khi cố gắng đẩy một sản phẩm chưa sẵn sàng tới tay người dùng ra thị trường, đặc biệt là một thiết bị công nghệ cao cấp, kết quả nhận lại là một loạt phản hồi báo lỗi từ các chuyên gia đánh giá. Dẫu vậy, Samsung sẽ phải tiếp tục đi theo con đường này. Galaxy Fold có thể không trở thành một sản phẩm thành công về mặt thương mại, nhưng nó sẽ là cơ hội để Samsung một lần nữa vượt lên chính bản thân mình, để dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất màn hình trước các đối thủ lớn như LG hay các công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một vấn đề khác cũng đáng được quan tâm ở đây. Đó là việc ra quyết định của các giám đốc điều hành ở Samsung. Bởi cho dù thời kỳ huy hoàng của OLED không còn, không có nghĩa là công ty nên lấy một bộ phận ra chỉ để thử chống đỡ cho một lĩnh vực kinh doanh khác đang có dấu hiệu đi xuống.